Một số suy nghĩ về tạp chí khoa học quốc tế và xây dựng tạp chí khoa học của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế

Phạm Văn Phúc

Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh

Mở đầu

              Xây dựng tạp chí khoa học đạt tiêu chuẩn quốc tế (gọi tắt là tạp chí khoa học quốc tế) là xu hướng tất yếu của các quốc gia đang phát triển với nền giáo dục và khoa học đang phát triển trong những năm gần đây. Nhu cầu xây dựng tạp chí quốc tế gắn liền với nhu cầu gia tăng ảnh hưởng và đóng góp những thành tựu khoa học của các quốc gia đến cộng đồng khoa học quốc tế và làm giàu nguồn tri thức của nhân loại.

              Ở Việt Nam, đi cùng với sự phát triển của giáo dục và khoa học nước nhà trong những năm gần đây, hệ thống tạp chí khoa học cũng có những phát triển đáng kể, đặc biệt nhu cầu chia sẻ kết quả nghiên cứu tại Việt Nam với cộng đồng quốc tế đang ngày càng tăng, các tạp chí khoa học ở Việt Nam đang chuyển mình để hòa nhập vào cộng đồng quốc tế, mang những kết quả nghiên cứu của Nhà khoa học Việt Nam chia sẻ cùng cộng đồng quốc tế, cũng như mang các kết quả của quốc tế đến chia sẻ ở Việt Nam.

              Khác với một số quốc gia, sự phát triển của tạp chí tại Việt Nam có nhiều đặc thù. Bài viết này chia sẻ một số suy nghĩ cá nhân của người viết về tạp chí khoa học quốc tế và trong việc xây dựng tạp chí khoa học đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tiêu chuẩn quốc tế

              Khái niệm “quốc tế” được xem như khác nghĩa với “quốc nội” nghĩa là có sự tham gia của các quốc gia khác. Trên thực tế, trước năm 2004, khái niệm tạp chí quốc tế gắn liền với tạp chí được lập chỉ mục (index) trong cơ sở dữ liệu (database) của Viện Thông tin Khoa học, Mĩ (Institute for Science Information – ISI). Viện ISI là trung tâm cung cấp thông tin khoa học do ông Garfield xây dựng vào năm 1960. Từ năm 1960 đến nay, ISI đã trải qua nhiều lần thay đổi chủ sở hữu cũng như tầm nhìn, chiến lược kinh doanh, sự ra đời của Web of Science vào năm 1997 với bộ các cơ sở dữ liệu; cũng như sự tái lập mô hình ISI vào năm 2018 của Clarivate (chủ mới của ISI) đã phát triển bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và xếp hạng tạp chí ngày càng rõ ràng hơn.

Từ năm 2004, với sự ra đời và góp mặt của cơ sở dữ liệu Scopus do Nhà xuất bản Elsevier xây dựng và cung cấp dịch vụ, Scopus trở thành một “chuẩn mực” thứ hai được cộng đồng xuất bản tạp chí khoa học quan tâm. Là cơ sở dữ liệu của một nhà xuất bản nên bộ tiêu chuẩn Scopus cũng có nhiều khác biệt so với Web of Science khi ra đời. Trong những năm gần đây, với mục đích xây dựng một CSDL hàng đầu về thông tin khoa học, Scopus cũng có nhiều thay đổi từ tiêu chí cũng như quy trình xét duyệt.

Từ khoảng 2015 đến nay, hai cơ sở dữ liệu Web of Science và Scopus đã trở thành hai cơ sở dữ liệu quốc tế quan trọng mà các nhà xuất bản tạp chí khoa học quan tâm để lập chỉ mục trong đó. Tuy nhiên, CSDL Web of Science được đánh giá là CSDL trung lập vì không thuộc nhà xuất bản, trong khi đó CSDL Scopus là của NXB Elsevier.

              Trên thực tế, ngoài Web of Science và Scopus, nhiều CSDL khác cũng được xây dựng như  CSDL khu vực, CSDL chuyên ngành… Dường như rất khó để so sánh về tiêu chuẩn cao thấp của các CSDL, song các CSDL với mục tiêu khác nhau đã xây dựng những tiêu chí khác nhau và phương pháp đánh giá cũng khác nhau.

Bảng 1. Sự ra đời của tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của tạp chí khoa học –  tiêu chuẩn tạp chí ISI

NămSự kiện
1960Eugene Garfield thành lập Viện Thông tin Khoa học (Institute for Scientific Information – ISI) ở Philadelphia, Pennsylvania
1964ISI xuất bản chỉ mục Science Citation Index (SCI) đầu tiên theo đề xuất của Garfield vào năm 1955 cho việc lập chỉ mục tài liệu khoa học
1973Quỹ Khoa học Quốc gia, Mĩ lần đầu tiên sử dụng dữ liệu trích dẫn từ SCI trong báo cáo đánh giá chỉ số khoa học về thành tích nghiên cứu khoa học
1973/1978ISI mở rộng việc lập chỉ mục các tài liệu học thuật sang lĩnh vực khoa học xã hội (Social Sciences Citaion Index – SSCI), và Nhân văn và Nghệ thuật (Arts & Humanities Citation Index – AHCI)
1976ISI công bố báo cáo chỉ số trích dẫn tạp chí (Journal Citation Report) đầu tiên, và chỉ số tác động của tạp chí (Journal Impact Factor – JIF)
1992Tập đoàn thông tấn Thomson Corporation mua lại ISI
1997Web of Science lần đầu tiên ra mắt trực tuyến, cung cấp dữ liệu của SCI, SSCI và AHCI và có nhiều thay đổi trong việc lập chỉ mục
2016Công ty Clarivate mua lại sản phẩm ISI từ tập đoàn thông tấn Thomson Reuters Corporation
2018Công ty Clarivate tái lập lại ISI bên trong Clarivate, tiếp tục lại mô hình kinh doanh và di sản của Garfield

              Như vậy, theo cách hiểu phổ biến hiện nay, tiêu chuẩn quốc tế của tạp chí là tiêu chuẩn chọn lựa tạp chí vào các CSDL của các công ty cung cấp thông tin khoa học Clarivate Analytics (Mĩ) hay nhà xuất bản sách, tạp chí khoa học Elservier (Hà Lan). Theo đó, tạp chí đạt tiêu chuẩn quốc tế hay tạp chí quốc tế là tạp chí được chấp nhận lập chỉ mục (index) trong các CSDL của 2 công ty Clarivate Anlytics và/hay NXB Elsevier.

Giá trị khoa học và nhà khoa học đang được đánh giá bởi 2 công ty Clarivate Analytics và Elsevier?

              Đây là vấn đề được nhiều nhà khoa học trên thế giới quan tâm. Hai công ty này đã đưa ra các tiêu chuẩn theo cách hiểu và làm của họ; họ chọn lựa hay loại bỏ vào CSDL theo cách của họ và họ sắp xếp thứ tự tạp chí cũng theo phương pháp của họ. Không biết từ đâu họ đã trở thành một người quyết định cho mọi quyết định rằng công trình đó có chất lượng hay không? Nhà khoa học đó có giỏi hay không? Nhà khoa học này hơn nhà khoa học kia?… Và để rồi ngày nay, các tổ chức đánh giá thường gọi là tạp chí ISI, tạp chí SCIE, tạp chí Scopus, rồi nhà khoa học Q1, Q2… Nhiều nhà khoa học đã cho rằng sở dĩ các công ty này đã trở thành “người quyết định” là vì các nhà khoa học đã trao cho họ cái quyền đó.

              Nhưng khi nhìn nhận lại thực tế thì với sự phát triển liên tục của các bộ tiêu chí của các công ty, một điều rõ ràng rằng nếu áp dụng đúng các tiêu chí này thì chất lượng của tạp chí sẽ tăng (chất lượng tạp chí chứ không phải là chất lượng bài báo/công trình khoa học). Điều quan trọng nhất là các tổ chức/cá nhân sử dụng dữ liệu và thông tin từ các công ty này như thế nào cho đúng. Có hay không có sự “nhầm lẫn” hay đang ‘”khái quát” hoặc ‘”suy ra” rằng tạp chí được xuất bản với chất lượng tốt thì công trình nghiên cứu đăng trong tạp chí đó tốt? Chúng ta cần nhìn nhận thực tế rằng, Clarivate Analytics hay Elsevier không có đưa ra bộ tiêu chuẩn đánh giá bài báo hay chất lượng khoa học mà họ          đưa ra tiêu chuẩn (theo suy nghĩ của họ) về tạp chí. Tạp chí là một ấn phẩm truyền thông, trong khi đó công trình khoa học là kết quả của quá trình nghiên cứu sáng tạo. Có lẽ đến lúc cũng cần nhìn nhận một cách chính xác rằng một công ty bán sản phẩm rất nhiều thì không đồng nghĩa là sản phẩm của công ty đó tốt.

              Và đó cũng là một trong các lí do mà Tuyên bố về Đánh giá Nghiên cứu (The Declaration on Research Assessment – DORA) ra vào năm 2012 tại Mĩ. Tôi cũng là một trong hàng chục ngàn người đã kí vào tuyên bố DORA để ủng hộ một cách thức đánh giá nghiên cứu. Tuyên bố DORA cho chúng ta một cách nhìn nhận rằng việc áp dụng tiêu chuẩn của các công ty cũng như dựa vào số trích dẫn để phân loại và xếp hạng tạp chí không đúng với việc phân loại và xếp hạng công trình nghiên cứu. Ủng hộ việc này, hiện nay nhiều tạp chí đã bắt đầu tuyên bố trên website của họ rằng, họ ủng hộ tuyên bố DORA nên họ không đưa thông tin tạp chí có lập chỉ mục trong CSDL nào hay không? Hoặc chỉ số ảnh hưởng (impact factor) là bao nhiêu?

Một số tiêu chuẩn chung của các Cơ sở dữ liệu quốc tế

              Mặc dù phần lớn các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam quan tâm đến tạp chí khoa học quốc tế đã chấp nhận rằng tạp chí được lập chỉ mục trong CSDL Web of Science và CSDL Scopus là tạp chí khoa học quốc tế, một bộ phận khác cho rằng các tạp chí thuộc các CSDL chuyên ngành như Pubmed, Embase… cũng là tạp chí khoa học quốc tế.

              Theo cách nhìn nhận phổ quát, trên cơ sở phân tích các tiêu chí của các CSDL đa ngành và chuyên ngành, tôi cho rằng có 05 tiêu chuẩn chung:

  • Tạp chí quốc tế phải được xuất bản bằng ngôn ngữ quốc tế, ít nhất là tên, tóm tắt và tài liệu tham khảo. Ngôn ngữ quốc tế ở đây là tiếng Anh
  • Tạp chí quốc tế phải được tham gia nộp bài từ cộng đồng quốc tế, nghĩa là tác giả của các bài báo trong tạp chí phải từ nhiều quốc gia
  • Tạp chí quốc tế phải được tham gia phản biện từ cộng đồng quốc tế, nghĩa là các phản biện viên trong các công trình phải từ nhiều quốc gia
  • Tạp chí quốc tế phải được tham gia biên tập từ cộng đồng quốc tế, nghĩa là các thành viên ban biên tập phải từ nhiều quốc gia
  • Tạp chí quốc tế phải được đọc và trích dẫn bởi cộng đồng quốc tế, nghĩa là đọc giả từ nhiều quốc gia

Và để đáp ứng được 5 tiêu chí chung này, các NXB các tạp chí phải thực hiện nhiều quy định, quy chế, hướng dẫn, cũng như các bộ quy tắc ứng xử đi kèm.

Một số tiêu chuẩn chưa đạt ở các tạp chí xuất bản tại Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế

  • Nhìn nhận từ khía cạnh chủ thể được đánh giá

              Điều đáng nói đầu tiên trong đánh giá tạp chí của các CSDL Clarivate và Scopus đó là đối tượng đánh giá là tạp chí chứ không phải là bài báo; do đó, nhiều người ngộ nhận rằng cứ bài báo tốt, công trình hay thì tạp chí sẽ được chọn. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Điều này tương tự việc đánh giá một hộp bánh, người đánh giá không phải dựa vào nguyên liệu làm bánh; mà họ đánh giá từ cái vỏ hộp cũng như đến thông tin trên vỏ…

              Và có lẽ có phần giống với các ngành khác, tạp chí khoa học Việt Nam vẫn chưa thật sự hoàn hảo về khâu “chế biến sau thu hoạch”. Có thể không chính xác và đúng, song việc xuất bản tạp chí khoa học ở nước ta vẫn còn theo mô hình “nhỏ lẻ”, trong khi các quốc gia đã chuyển sang mô hình xuất bản quy mô công nghiệp, mà trong đó khâu “chế biến sau thu hoạch” đã nâng lên một tầm mới.

              Để làm sáng tỏ điều này, từ năm 2020, Clarivate Analytics đã lập ra bộ tiêu chí đánh giá tạp chí để chọn lựa vào Web of Science với 28 tiêu chí gồm 24 tiêu chí về chất lượng tạp chí và 4 tiêu chí về ảnh hưởng của tạp chí. Khi một tạp chí đạt đủ 24 tiêu chí về chất lượng thì sẽ chấp nhận vào CSDL ESCI thuộc Web of Science; và khi đạt thêm 4 tiêu chí về tác động/ảnh hưởng thì sẽ chấp nhận vào SCIE/SSCI/AHCI.

Hình 1. Tiêu chí và quy trình đánh giá tạp chí vào Web of Science của công ty Clarivate Analytics.
  • Chưa phù hợp giữa tên, mục tiêu và nội dung

Là một sản phẩm, song nhiều tạp chí khoa học đang thể hiện rõ sự “vênh” quá lớn giữa tên sản phẩm, với mục tiêu và nội hàm của sản phẩm. Ví dụ tên sản phẩm ghi là tạp chí khoa học trái đất và môi trường, trong mục tiêu ghi rõ rằng các xuất bản sẽ về 2 lĩnh vực khoa học trái đất và môi trường, nhưng thực tế nội dung thì chỉ có bài viết về môi trường, không có hay rất hiếm bài viết về khoa học trái đất. Hay một ví dụ khác, tạp chí khoa học xã hội và nhân văn, nhưng chỉ xuất bản bài về khoa học xã hội, không có bài về nhân văn. Điều này trở nên trầm trọng hơn khi các sản phẩm tên là tạp chí khoa học và công nghệ. Với tên sản phẩm quá lớn này, nội dung không thể bao phủ hết. Do đó, lỗi nghiêm trọng này thuộc về không phù hợp giữa tên, mục tiêu và nội dung. Và cũng có thể vì thế mà cá nhân tôi vẫn nghe nhiều tin đồn rằng tạp chí chuyên ngành “dễ vào” Scopus hay Web of Science hơn tạp chí đa ngành.

  • Chất lượng tóm tắt bài báo kém

Hiện nay hai CSDL Web of Science và Scopus đánh giá để chấp nhận lập chỉ mục cho cả tạp chí xuất bản toàn văn bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác nếu có tên bài, tóm tắt bài bằng tiếng Anh. Điều này có nghĩa là việc đánh giá chính là dựa vào tóm tắt bài báo; song nhiều tạp chí khoa học ở Việt Nam đã xuất bản các bài báo có chất lượng tóm tắt chưa cao.

  • Thiếu hỗ trợ của ngành công nghiệp xuất bản tạp chí khoa học

Nhìn cách các tạp chí khoa học đang vận hành, tôi thấy rằng ở nước ta chưa có những công ty, doanh nghiệp hỗ trợ để xuất bản tạp chí khoa học. Các công việc như biên tập ngôn ngữ, biên tập hình ảnh, xuất bản XML, chế bản, chỉnh sửa tài liệu tham khảo… nên chất lượng về hình thức tạp chí phần lớn chưa đạt.

Kết luận

              Việc xây dựng các tạp chí khoa học Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế không chỉ để có tạp chí quốc tế ở Việt Nam mà còn là sức kéo cho một nền xuất bản học thuật và nền nghiên cứu khoa học của nước nhà. Việc xây dựng tạp chí khoa học Việt Nam theo các tiêu chuẩn quốc tế hiện nay phải được nhìn nhận là một nội dung quan trọng cần phải làm để nắm được phương pháp/công nghệ xuất bản học thuật ở chuẩn mực cao để có sản phẩm chất lượng cao, chứ không phải đơn thuần là tìm kiếm sản phẩm (mà do quốc gia khác đã làm được). Và để làm được việc đó, sự nhìn nhận đúng mực vai trò của tạp chí khoa học, quy trình xuất bản tạp chí khoa học, sự phát triển của các ngành phụ trợ…tại Việt Nam là cần thiết. Nếu khắc phục có hệ thống các hạn chế thông thường trong các sản phẩm tạp chí ở nước ta, các tạp chí khoa học ở Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong việc đạt tiêu chuẩn quốc tế.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *